Năm 1951, Alan Turing – cha đẻ của AI đã cảnh báo nhân loại nhưng có vẻ, chẳng ai đoái hoài tới ông.
Để hiểu được những nguy hiểm tiềm tàng của trí tuệ nhân tạo, hãy so sánh nó với một quả tên lửa – phóng nhanh nhưng chẳng ai điều khiển.
“Chẳng có ai cố gắng tạo ra một cơ chế chèo lái quả tên lửa đó cả”, lập trình viên và nhà vật lý học Jaan Tallinn – đồng sáng lập Skype và cũng là đồng sáng lập của Viện Trung tâm Nghiên cứu Nguy cơ tồn tại và Tương lai của Sự sống – nói đùa khi trả lời Wired UK.
Và nó không phải là một quả tên lửa thông thường cũ kỹ, nó là một quả tên lửa mất hàng tỷ USD để nghiên cứu, hàng triệu giờ nghiên cứu để tạo nên, và những thành công tương lai của con người hoàn toàn có thể dựa vào sự thành bại của trí tuệ nhân tạo. Nó là một hệ thống hoàn hảo để giúp đỡ con người tiến về tương lai nhưng có điều, quả tên lửa này “bất trị”, chẳng ai điều khiển được nó.
Ta tự dựng lên cho mình một quả tên lửa trị giá hàng tỷ USD nhưng lại chẳng nghiên cứu mà lắp đặt một hệ thống để điều khiển nó – đó là phép ẩn dụ mà Tallinn sử dụng để chỉ trí tuệ nhân tạo.
Trong ngành nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, người ta vẫn tự kháo nhau rằng rồi sẽ đến lúc ta có một “vô lăng” để mà lái con tàu AI ra khơi, hay một hệ thống an toàn để cai quản nó. Trước hết, ta phải làm cho trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ hơn đã. “Việc chèo lái là không quan trọng”, Tallinn tiếp tục sử dụng phép ẩn dụ với quả tên lửa. “Một khi ta đã có một động cơ đủ mạnh, quả tên lửa sẽ có thể đi tới bất kì đâu”.
Và ông kết luận rằng, cách tiếp cận vấn đề như vậy quả thật là vô cùng liều mạng. “Họ đang cố gắng che giấu một sự thật đáng xấu hổ. Họ quên mất phải lắp một hệ thống lái và dẫn đường”. Cho tới vài năm vừa rồi, các nhà nghiên cứu AI đã không nhìn ra được những nguy cơ mà trí tuệ nhân tạo đang tạo ra. Nhưng mọi thứ đang dần thay đổi, dù là thay đổi một cách chậm rãi.
“Có lẽ ta chỉ có một cơ hội duy nhất để thực hiện cho đúng mà thôi”, Tallinn nói trong một bài phát biểu tại hội nghị khoa học Starmus tại Trondheim, Na Uy. “Việc đề cập tới một công tắc an toàn cho AI đã từng là một chủ đề nhạy cảm, cấm kị trong giới nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. Mỗi khi người ta nhắc tới việc này, người ta sẽ tỏ ra dè chừng và trả lời câu hỏi này bằng những câu linh tinh đầy mâu thuẫn”.
“Ta tự dựng lên cho mình một quả tên lửa trị giá hàng tỷ USD nhưng lại chẳng nghiên cứu mà lắp đặt một hệ thống để điều khiển nó, đó chính là điều đang xảy ra với ngành nghiên cứu AI hiện nay”.
Năm 1951, Alan Turing cảnh báo với nhân loại về nguy cơ tiềm tàng của các hệ thống trí tuệ nhân tạo, nhưng có vẻ chẳng ai màng tới ông. “Có lẽ một khi phương thức machine learning bắt đầu phát triển, sẽ chẳng mất nhiều thời gian để chúng tước đi cái sức mạnh điều khiển nhỏ bé của chúng ta”, Turing nói vậy trong một bài diễn thuyết khi ông còn sống. Rồi dần dần, máy móc sẽ nắm quyền điều khiển mọi thứ. Đó là lời kết luận và cũng là lời cảnh báo của ông tổ của ngành khoa học máy tính và cũng là người được cho là cha đẻ của trí tuệ nhân tạo.
Với ông Tallinn, việc nhân loại nhận ra AI nguy hiểm như thế nào đã tới quá muộn. “Luôn luôn có một áp lực khi mà người ta nói về vấn đề kiểm soát AI. Và chẳng cần hỏi cũng biết vì sao những buổi thảo luận về nguy cơ lật đổ con người của trí tuệ nhân tạo lại được khởi xướng bởi những người không nghiên cứu trong lĩnh vực này, chính họ là những người không ngại ngùng chỉ ra rằng bộ áo mới của Hoàng đế thực chất là cái gì”.
Ông cũng chỉ ra những lĩnh vực đã có những đột phá quan trọng, những đột phá hòng cản ngăn AI lên ngôi vương thống trị. Tháng Giêng năm 2015, Elon Musk đầu tư 10 triệu USD vào việc nghiên cứu một hệ thống an toàn kiểm soát AI. Tháng Mười Hai cũng năm ấy, Viện Trung tâm Nghiên cứu Nguy cơ tồn tại và Tương lai của Sự sống nhận được một khoảng đầu tư 10 triệu bảng Anh từ Quỹ Leverhulme, nhằm phát triển một trung tâm kiểm soát những bước phát triển tương lai của trí tuệ nhân tạo.
“Việc nghiên cứu kiểm soát an toàn trí tuệ nhân tạo giờ đây đã được cho là một phần của khoa học đại chúng”, ông Tallinn nói. Tháng Giêng năm nay,hơn 1.000 nhà nghiên cứu robot và AI đã kí vào một bản 23 nguyên tắc được kiểm duyệt bởi Viện Tương lai Sự sống. “Nhìn chung các nguyên tắc này đều nêu lên rằng, việc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo đang tiến triển rất nhanh hiện nay cần phải được xem xét thêm các yếu tố đạo đức và an toàn”.
Ta mới chỉ đạt được vài bước tiến, và ông Tallinn cho rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. “Nguồn tài nguyên con người dùng vào việc nghiên cứu việc kiểm soát AI vẫn còn rất nhỏ, về cơ bản là bằng không”. Ông kêu gọi ngành nghiên cứu AI cần phải tập trung hơn nữa vào khía cạnh này.
“Chúng ta cần tái định nghĩa sứ mệnh cơ bản nhất của ngành nghiên cứu AI, là tạo ra một hệ thống có giá trị cao chứ không phải chỉ là những hệ thống chỉ giỏi là đủ”, ông Tallinn kết luận. Ta đã mất nhiều thập kỷ dửng dưng, bỏ quên mất (hoặc cố tình quên mất) rằng ngành này cần những yếu tố an toàn, như một kiểu bảo hộ lao động vậy. Ta cần bắt kịp tốc độ phát triển mạnh mẽ của AI, một tốc độ mà chính ta tạo ra.