Tìm ra nguồn gốc của sự sống trên Trái Đất cũng là cách thức giúp ta tìm ra sự sống bên ngoài Hành Tinh Xanh này.
Giới khoa học, những người quan tâm tới thiên văn học, các đầu báo lớn vẫn còn rất quan tâm tới phát hiện “nóng hổi” được công bố tuần vừa rồi: ta đã phát hiện ra bảy hành tinh có kích cỡ gần bằng Trái Đất quay quanh một ngôi sao sáng cách ta 40 năm ánh sáng. Điều đó nảy sinh ra một câu hỏi mới: ta làm cách nào để tìm ra được sự sống trên hành tinh khác?
Ta sẽ tìm ra được đáp án cho câu hỏi ấy nếu ta khám phá ra được cách thức sự sống lần đầu tiên “nảy mầm” ngay trên Trái Đất này. Và ta ngay lúc này đây, ta có thể đã có được một phần câu trả lời cho vấn đề vẫn làm nhức nhối giới nghiên cứu bấy lâu nay.
Theo một đột phá trong nghiên cứu địa chất học được đăng tải trên tạp chí Nature thứ Tư vừa rồi cho biết, sau khi các nhà khoa học nghiên cứu những dấu vết hóa học còn sót lại trên những mẫu đá cổ xưa nhất Trái Đất nằm tại phía Bắc Canada, họ đã phát hiện ra hóa thạch hóa học lâu đời của vi khuẩn.
Đội ngũ nghiên cứu tin rằng đó là những gì còn sót lại của vi khuẩn thời xa xưa, sống gần những mạch núi lửa ngầm dưới đại dương vào khoảng 3,8 cho tới 4,3 tỷ năm trước.
Mathhew Dodd, một sinh viên đang theo học bằng tiến sĩ tại Trung tâm Công nghệ Nano London và bảy đồng nghiệp khác đã có những nghiên cứu ủng hộ khẳng định này của họ. Những dấu vết hóa học từ hàng tỷ năm trước kia giống với những mẫu mà họ thu thập được từ các địa điểm khác, những mẫu đã được xác nhận là thuộc về những con vi khuẩn sống gần những khe núi lửa dưới lòng biển. Hơn nữa, thông qua kĩ thuật tạo hình ảnh bằng laser, họ tìm ra dấu vết tương đồng với giống vi khuẩn ăn sắt sống gần cách mạch núi lửa ngày nay.
Khám phá mới này đã phá vỡ ranh giới của “bằng chứng sự sống lâu đời nhất trên Trái Đất” ít nhất là 300 triệu năm. Trong khám phá trước đây, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hóa thạch vi khuẩn tại phía Tây Úc có niên đại chỉ khoảng 3,5 tỷ năm.
Trong dự án lần này, các nhà khoa học ết thúc bản báo cáo kết quả nghiên cứu của họ bằng việc mời thêm một số nhà thiên văn học tham gia nghiên cứu của mình. “Với những bằng chứng này, thì những hệ thống mạch núi lửa dưới lòng đại dương nên được coi như là những vị trí nghiên cứu tiềm năng để phát hiện ra nguồn gốc sự sống trên Trái Đất, và nó cũng sẽ là mục tiêu nghiên cứu chính để tìm ra sự sống ngoài hành tinh”.