Gần một nửa số nữ giới làm việc trong lĩnh vực công nghệ ở khu vực Đông Nam Á tin rằng COVID-19 đã làm trì hoãn tiến trình phát triển nghề nghiệp của họ, mặc dù 64% cho rằng sự bình đẳng giới có nhiều khả năng đạt được hơn thông qua hình thức làm việc từ xa. Nếu giãn cách xã hội được đánh giá là có khả năng thúc đẩy sự bình đẳng giới đối với các vị trí trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin (CNTT), những thành kiến xã hội kéo dài đã cản trở tiềm năng của giai đoạn đột phá này.
Giai đoạn giãn cách được dự đoán sẽ mang lại chuyển biến tích cực đối với ngành CNTT trong nỗ lực vì bình đẳng giới. Bằng cách tạo ra một “sân chơi bình đẳng” từ góc độ xã hội và kế hoạch hóa gia đình, những định kiến về năng lực và tuổi thọ trung bình đối với sự nghiệp của nữ giới sẽ được xóa bỏ. COVID khiến các công ty lập tức đẩy nhanh hoặc thậm chí buộc phải tuân theo quá trình bình thường mới, và ở một mức độ nào đó, động thái này đã mang lại những bước tiến tích cực về mặt tư tưởng trong ngành.
Báo cáo của Kaspersky: Nữ giới trong ngành Công nghệ Thông tin, Chúng ta đang ở đâu? Hiểu về sự chuyển mình của nữ giới trong lĩnh vực công nghệ, cho thấy 25% nữ giới ngành CNTT khu vực Đông Nam Á thích làm việc ở nhà hơn làm việc tại văn phòng. Ngoài ra, 25% cho biết làm việc ở nhà giúp họ đạt hiệu quả cao nhất, và có tới 28% tiết lộ rằng họ có quyền tự chủ hơn khi không làm việc tại văn phòng – trong khi đó số liệu này trên toàn cầu là 33%.
Tuy nhiên, những số liệu thống kê khác từ báo cáo cũng nhấn mạnh tiềm năng thúc đẩy bình đẳng giới đối với phụ nữ ngành CNTT khi làm việc từ xa lại không hoàn toàn tương ứng với sự tiến bộ xã hội trong giai đoạn này. Gần một nửa (46%) phụ nữ khu vực Đông Nam Á làm việc trong lĩnh vực công nghệ đã phải “vật lộn” để sắp xếp ổn thỏa công việc và cuộc sống gia đình kể từ tháng 3/2020. Xu hướng này thể hiện nổi bật nhất ở Bắc Mỹ, nhưng cũng là xu hướng chung trên toàn thế giới.
Khi tìm hiểu sâu hơn, lý do cho sự mất cân bằng này cũng trở nên rõ ràng. Khi những người tham gia khảo sát được hỏi về những công việc hàng ngày khiến năng suất hoặc tiến độ công việc giảm, 66% cho biết họ phải làm phần lớn việc dọn dẹp trong nhà, 68% dạy con học ở nhà, và 56% phải điều chỉnh thời gian làm việc để chăm sóc gia đình. Kết quả là, 48% phụ nữ cho rằng COVID-19 đã làm trì hoãn, thay vì thúc đẩy, tiến trình phát triển sự nghiệp của họ.
Tiến sĩ Patricia Gestoso, Trưởng bộ phận Hỗ trợ Khách hàng Khoa học tại BIOVIA, người chiến thắng hạng mục Women in Software Changemakers năm 2020 và là thành viên nổi bật của mạng lưới phụ nữ chuyên gia Ada’s List, cho biết: “Ảnh hưởng của đại dịch đối với phụ nữ rất khác nhau. Một số người đánh giá cao tính linh hoạt và việc không phải “đi đi về về” nếu làm việc tại nhà, trong khi những người khác chia sẻ rằng họ đang trên đà kiệt sức. Điều quan trọng là các công ty cần đảm bảo cấp quản lý sẽ hiểu và đảm bảo trách nhiệm hỗ trợ, quan tâm nhân viên”.
“Một xu hướng quan trọng khác mà đại dịch đã thúc đẩy là sự tồn tại song song của việc nhân viên làm từ xa và nhân viên phối hợp làm việc tại nhà và tại văn phòng trong cùng tổ chức. Điều này nhiều khả năng trở thành thách thức đối với phụ nữ khi làm việc từ xa vì ít được tiếp cận với cấp lãnh đạo cao nhất khi họ làm việc tại văn phòng. Từ đó, khả năng cho họ được xem xét đảm nhận nhiệm vụ dài hơi để có cơ hội thăng chức bị giảm đi. Nhà tuyển dụng cần nhận thức những nhược điểm này và lên kế hoạch phù hợp để giảm thiểu chúng.”
Những ví dụ về sự bất bình đẳng giới tuy không cụ thể cho lĩnh vực công nghệ, nhưng đã chỉ ra rào cản về sự nghiệp đối với phụ nữ khi chuyển hướng sang làm việc từ xa trong năm qua. 46% phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ ở Đông Nam Á (đối với nam giới là 39%) tin rằng một môi trường làm việc bình đẳng là điều tốt nhất cho sự phát triển nghề nghiệp, và 64% cho rằng làm việc từ xa là cách tối ưu để đạt được sự bình đẳng đó. Ngành công nghệ hiện tại cần tận dụng động lực của chính mình để tạo điều kiện xóa bỏ các định kiến xã hội trong thời gian tới.
Bà Merici Vinton, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Ada’s List cho biết: “Các công ty cần thể hiện, thông qua cả văn hóa và chính sách công ty, rằng họ sẽ đảm bảo cho các bậc cha mẹ sự linh hoạt cần thiết trong thời gian COVID (và cả sau này). Các công ty cần hiểu tầm quan trọng của sự hiện diện của phụ nữ, việc có phụ nữ trong vai trò lãnh đạo, các bộ phận có đa số thành viên là nữ, và sự tham gia phỏng vấn của phụ nữ chứng tỏ rằng luôn có chỗ đứng cho nữ giới ở doanh nghiệp của họ. Cuối cùng, chúng tôi nhận thấy rất nhiều sự hợp tác thành công giữa doanh nghiệp với các tổ chức phụ nữ bên ngoài – những tổ chức có nội lực mạnh mẽ, có thể thúc đẩy doanh nghiệp tiến lên, và mang đến nguồn cảm hứng cho nhân viên của doanh nghiệp.”
Bà Evgeniya Naumova, Phó Chủ tịch Mạng lưới Bán hàng Toàn cầu tại Kaspersky cho biết: “Nếu lĩnh vực công nghệ đóng vai trò dẫn đầu, cũng như đảm bảo một môi trường linh hoạt và công bằng hơn cho phụ nữ thì bình đẳng giới sẽ nhanh chóng trở thành lẽ thường. Từ đó, nhiều khả năng mang lại động lực thay đổi trong xã hội. Điều này sẽ không thể thay đổi trong một sớm một chiều, nhưng có những dấu hiệu cho thấy phụ nữ đang cảm thấy có tiếng nói hơn trong việc yêu cầu được đối xử bình đẳng. Trong tương lai, ngành Công nghệ Thông tin cần được xây dựng trên đòn bẩy là sự bình đẳng, tận dụng những mặt tích cực từ quá trình chuyển đổi sang hình thức làm việc linh hoạt, từ đó mang lại kết quả là chất xúc tác cho sự thay đổi xã hội rộng lớn hơn.”
Xem đầy đủ báo cáo Chúng ta đang ở đâu? Hiểu về sự chuyển mình của nữ giới trong lĩnh vực công nghệ tại đây.