Xiaomi chính thức công bố kết quả kinh doanh hợp nhất đã được kiểm toán cho năm 2019, kết thúc vào ngày 31/12/2019. Năm 2019, Xiaomi đạt được sự tăng trưởng vững chắc trên tất cả các phân khúc kinh doanh. Tổng doanh thu của tập đoàn lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 tỷ RMB (Nhân dân tệ), đạt 205.8 tỷ RMB, tăng 17.7% so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng CAGR qua 9 năm là 112%. Lợi nhuận ròng lên đến 11.5 tỷ RMB, tăng 34.8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý IV/2019, tổng doanh thu của Xiaomi tăng 27.1% lên 56.5 tỷ RMB. Lợi nhuận ròng đạt 2.3 tỷ RMB, tăng 26.5% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm nổi bật về tài chính 2019:
- Tổng doanh thu xấp xỉ 205.84 tỷ RMB, tăng 17.7% so với năm trước, đánh bại dự báo của giới phân tích
- Lợi nhuận gộp xấp xỉ 28.55 tỷ RM, tăng 28.7% so với năm trước
- Lợi nhuận ròng ngoài IFRS là 11.53 tỷ RMB, tăng 34.8% so với năm trước, đánh bại dự báo của giới phân tích
- Thu nhập trên mỗi cổ phiếu là 0.0423 RMB
- Tổng tài nguyên tiền mặt là 66 tỷ RMB.
Điểm nổi bật về tài chính quý IV/2019:
- Tổng doanh thu đạt mức cao nhất trong lịch sử, cũng là quý hoạt động tốt nhất trong năm, với xấp xỉ 56.47 tỷ RMB, tăng 27.1% so với cùng kỳ năm trước
- Lợi nhuận gộp đạt xấp xỉ 7.84 tỷ RMB, tăng 38.5% so với cùng kỳ năm trước
- Lợi nhuận ròng đã điều chỉnh không theo chuẩn kiểm toán IFRS là 2.34 tỷ RMB, tăng 26.5% so với cùng kỳ năm trước.
Nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Xiaomi, ông Lei Jun cho biết: “Mặc dù vấp phải khó khăn từ cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ và suy thoái kinh tế toàn cầu, Xiaomi vẫn gây ấn tượng mạnh mẽ trong năm 2019 với kết quả kinh doanh đáng khen ngợi, khi lần đầu tiên doanh thu của chúng tôi vượt mức 200 tỷ RMB. Chúng tôi cũng chinh phục được nhiều cột mốc quan trọng, từ việc khởi động thành công chiến lược thương hiệu kép tách Xiaomi và Redmi ra hoạt động độc lập, củng cố lộ trình chiến lược ‘5G+AIoT’, cho đến việc gia nhập hàng ngũ uy tín của Fortune Global 500 và Top 100 Thương hiệu toàn cầu giá trị nhất của BrandZ.”
“Trong khi cả thế giới đang chìm trong bóng tối của COVID-19, chúng tôi vẫn duy trì niềm tin vào kinh doanh hiệu quả cùng mọi người vượt qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Tại Xiaomi, chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, thành công kinh doanh lâu dài sẽ được củng cố bởi công nghệ đổi mới. Và để đạt được hiệu quả đó, chúng tôi có kế hoạch đầu tư 50 tỷ RMB trong 5 năm tới, không ngừng tập trung đổi mới công nghệ và nâng cao trải nghiệm người dùng để gia tăng số lượng Mi Fan. Dù ở hoàn cảnh nào, Xiaomi luôn giữ vững cam kết sử dụng công nghệ để kết nối và cải thiện cuộc sống ở mọi nơi trong tương lai”, Chủ tịch Lei Jun cho biết thêm.
Năm 2019, doanh thu phân khúc điện thoại thông minh đạt 122.1 tỷ RMB, tăng 7.3% so với năm trước. Tính riêng quý IV/2019, con số này là 30.8 tỷ RMB, tăng 22.8% so với cùng kỳ năm trước. Cả năm 2019, tập đoàn đã xuất xưởng 124.6 triệu chiếc điện thoại thông minh, trong khi các lô hàng quý IV xấp xỉ 32.6 triệu chiếc, tăng 30.5% so với năm trước. Theo Canalys, quý IV/2019, tập đoàn đã đạt được mức tăng trưởng lô hàng điện thoại thông minh cao nhất trong số 5 công ty điện thoại thông minh hàng đầu thế giới.
Kể từ tháng 1/2019, Xiaomi và Redmi được tách thành hai thương hiệu hoạt động độc lập và chiến lược điện thoại thông minh thương hiệu kép đã có những bước phát triển vững chắc trong năm qua.
Redmi Note 7 là mẫu smartphone “Made by China” bán chạy nhất toàn cầu năm 2019. Tháng 12/2019, Redmi K30 5G, chiếc điện thoại thông minh 5G đầu tiên ra mắt với giá khởi điểm từ 1999 RMB, trở thành smartphone 5G đầu tiên có giá dưới 2000 RMB vừa túi tiền đông đảo người dùng trên thế giới.
Trong khi đó, thương hiệu Xiaomi tập trung vào các công nghệ tiên tiến và gây dựng thành công vị thế vững chắc trong phân khúc điện thoại thông minh cao cấp. Xiaomi đã ra mắt các mẫu điện thoại thông minh 5G hàng đầu là Mi 10 và Mi 10 Pro vào tháng 2/2020. Mi 10 Pro gây ấn tượng lớn khi nhận được điểm số cao nhất từ DxOMark về hiệu suất tổng thể của camera, video và nhiếp ảnh.
Trong năm 2019, Xiaomi đang tiếp tục mở rộng số lượng người dùng IoT của mình. Tính đến ngày 31/12/2019, số lượng thiết bị IoT được kết nối (không bao gồm điện thoại thông minh và máy tính xách tay) trên nền tảng IoT của Xiaomi đã lên đến 234.8 triệu đơn vị, tăng 55.6% so với năm trước. Trợ lý Xiaomi Ai ở Trung Quốc đã có hơn 60.4 triệu người dùng hàng tháng (MAU) vào tháng 12/2019, tăng 55.7% so với năm trước. Tháng 12/2019, MAU của MIUI tăng 27.9% so với năm trước, đạt 309.6 triệu người.
Theo Canalys, Xiaomi là thương hiệu thiết bị đeo thông minh lớn nhất thế giới (bao gồm đồng hồ thông minh và dây đeo cổ tay) năm 2019, tính theo các lô hàng. Bên cạnh đó, các sản phẩm IoT của Xiaomi đã giành được hơn 50 giải thưởng thiết kế nổi tiếng trên thế giới.
Tác động của dịch COVID-19 bùng phát
Đầu năm 2020, dịch COVID-19 lan rộng khắp thế giới, Xiaomi đã phải trải qua quãng thời gian gián đoạn sản xuất tạm thời từ tháng 2 đến tháng 3/2020, song lực lượng lao động sản xuất đã kịp thời phục hồi tới 80-90% ngay sau đó.
Tại thị trường Trung Quốc, doanh số ngoại tuyến của Xiaomi chịu ảnh hưởng trong cao điểm dịch, do hầu hết các cửa hàng Mi Store phải đóng cửa hoặc hoạt động giới hạn khung giờ khiến lượng khách ra vào thấp hơn đáng kể. Song nhờ lợi thế lớn từ các kênh phân phối trực tuyến, Xiaomi chịu ảnh hưởng tương đối ít.
Đối với thị trường nước ngoài, với thị phần toàn cầu mạnh mẽ và liên tục mở rộng sang các thị trường khác, Xiaomi vẫn rất lạc quan về tiềm năng phát triển lâu dài trên thị trường quốc tế.
Đáng chú ý, lưu lượng người dùng các dịch vụ Internet của Xiaomi như xem phim và trò chơi trực tuyến, đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng và bền vững khi hầu hết mọi người ở nhà tránh dịch.